linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Giáo dục người bệnh (Patient Education) nên được xem là cơ hội cho làm truyền thông y tế

Ta học hành hơn 20-30 năm liên tục mà còn “chưa biết gì”, tự dưng ta mong muốn bệnh nhân và người nhà phải hiểu về bệnh lý như ta thì có lẽ ta xem bệnh nhân là “tề thiên đại thánh” rồi. Chính sự không hiểu biết về bệnh tật của người dân là cơ hội để làm truyền thông.

 Các bạn làm truyền thông ở các bệnh viện thường than là không có ý tưởng để xây dựng nội dung (content), chủ đề (topic) để viết cái gì đó, hay ý niệm (concept) cho một sự kiện y tế gì đó…

 
Chính những suy nghĩ sai lầm, chưa chính xác, ngộ nhận…của đám đông, mới thật sự là điểm đắt giá (tipping point) cho truyền thông khai thác, vì nó rất có tác dụng thu hút (interest), gây ngạc nhiên (delight), từ đó mới có tác dụng lan truyền (viral).
 
 
 
Hành vi của người bệnh và người dân nói chung (không có chuyên môn y tế) đều xuất phát từ cảm xúc lo lắng, hoang mang. Khi không có ai để hỏi, họ sẽ hỏi google (vì đó là phương tiện rẻ và thuận tiện nhất), và cũng chính chúng ta – những người kinh doanh trong lĩnh vực y tế “giăng bẫy” khắp nơi trên mạng xã hội. Công ty dược, phòng khám, bệnh viện, bán máy…thậm chí bán hàng đa cấp “xuất bản” đủ thứ nội dung về y tế sức khỏe… và không ít trong số đó góp phần vào căn bệnh “rối loạn lo âu” cho xã hội, nhìn đâu cũng thấy bệnh, nhìn đâu cũng thấy chết. Và rất nhiều nơi đang bỏ tiền cho google, hay làm đủ trò để thông tin của mình xuất hiện đầu tiên khi người ta tìm kiếm (với một cái tên rất mỹ miều SEO – search engine optimization).
 
Rất nhiều người dân trong tâm trạng hoang mang đã bị giăng vào cái lưới này, đó là lý do vì sao người dân bây giờ tự cho chỉ định khi đến gặp bác sĩ (cho tui chụp MRI, cho tui điện não đồ…), thay vì chỉ cần mô tả triệu chứng của mình cho kĩ. Và nguy hiểm hơn, nó xói mòn lòng tin của người dân với người bác sĩ đang ngồi trước mặt họ, tạo ra những câu hỏi, chất vất rất là “tự ái” cho người bác sĩ. Kiến thức lõm bõm họ học được trên mạng (do chính người chúng ta dạy chứ ai) vừa nguy hiểm cho họ vừa gây nguy hiểm cho quá trình chữa trị của bác sĩ.
 
Tôi nghĩ, các bác sĩ nhà ta không nên bực tức mấy chuyện này làm gì cho nó ảnh hưởng đến sức khỏe.
 
Đây là một vấn đề xã hội, ta không “đội đá vá trời” mà thay đổi nó được, vì ta không đủ khả năng. Nhưng ta thử nhìn ở góc nhìn tích cực hơn, xem coi có cơ hội gì ở đây để làm việc hay không.
 
Đó có phải là cơ hội cho ta khi bệnh nhân bước đến bệnh viện ta hay không.
 
Với người dân, y tế là niềm tin, họ chẳng có chuyên môn gì để đánh giá. Nên nếu chúng ta dạy cho họ điều đúng, thay đổi những suy nghĩ sai lầm của họ, họ sẽ tin ta. Có thể, khi ta nói điều đúng, thiểu số không tin hay hoài nghi, nhưng số đông và lâu dài ta sẽ xây được niềm tin.
 
Với y tế, có niềm tin là có tất cả. Kinh doanh y tế cần kiên trì xây dựng niềm tin.
 
Giáo dục người bệnh là bước đơn giản, ít tốn kém nhất để tạo dựng niềm tin. Bộ phận truyền thông nên xem khuôn viên bệnh viện, đám đông hàng ngày ra vào bệnh viện là một không gian để ta thi thố tài sáng tạo nội dung truyền thông “thấu lòng người” (patient insight). Thẩu hiểu nổi trăn trở, thấu hiểu những suy nghĩ lệch lạc, sai lầm, thấu hiểu cách họ suy nghĩ và phán xét một vấn đề gì đó, thấu hiểu hành vi của họ bị tác động như thế nào…
 
Các panel, poster, áp phích tuyên truyền trong bệnh viện hiện nay thường không xuất phát từ quá trình “thấu lòng người” trước, mà đa phần là sao chép cắt dán ở đâu đó thấy hay hay.
 
Tôi từng khuyên các bạn làm truyền thông của một bệnh viện đừng ngồi văn phòng và dán mắt vào máy tính. Việc các bạn cần làm là đi quan sát, trò chuyện, tâm sự với người bệnh và người nhà của họ. “Chất liệu” cho ý tưởng truyền thông nằm ở đó, không phải đi sao chép cái gì đó rồi nộp bài cho xong.
 
Chúc thành công!
 
Ths. Huỳnh Bảo Tuân
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team